Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ dựa trên việc thu thập thông tin về chế độ ăn uống và lối sống của hơn 385.000 người dân ở một số nước châu Âu.
Các mẫu máu được lấy lúc bắt đầu nghiên cứu và phân tích hàm lượng các loại vitamin B cùng chất hóa sinh liên quan như methionine - một axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự sản xuất. Methionine có trong chế độ ăn uống của bạn.
Những thành phần nói trên được cho là trợ giúp tích cực quá trình tổng hợp và sửa chữa ADN trong các mô cơ thể, có khả năng ngăn ngừa khiếm khuyết trong ADN gây ung thư.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguy cơ phát triển ung thư phổi giảm ít nhất 50% ở những người có nồng độ vitamin B6 và methionine cao. Khi vitamin B9 (folate) cũng hiện diện, nguy cơ này giảm tới 66%.
Những người tham gia nghiên cứu được chia thành các nhóm gồm: người chưa từng hút thuốc, trước đây từng hút và hiện đang hút. Điều thú vị là, nguy cơ phát triển ung thư phổi giảm như nhau trong các nhóm.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù vitamin B làm giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư phổi ở người hút thuốc nhưng quan trọng nhất trong phòng chống căn bệnh chết người vẫn là giảm sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới. Hút thuốc vẫn là số một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi và cần được ngăn chặn.
Nhà nghiên cứu còn ghi nhận việc tiêu thụ lâu dài vitamin B theo chế độ thích hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư.
Để cơ thể có nhiều vitamin B hơn
Bổ sung là cách dễ dàng để tăng lượng vitamin B. Nên bổ sung hỗn hợp vitamin B chứa tất cả 8 loại vitamin B được biết đến.
Vitamin B hầu như có trong mọi loại thực phẩm. Nhất là: rau lá xanh; củ quả chứa bột như bí, khoai tây và củ cải vàng; sản phẩm động vật, bao gồm thịt, sữa và trứng; Trái cây như bơ; Các loại đậu; Các loại hạt và ngũ cốc...
Thực phẩm giàu vitamin B6 gồm cá, thịt, trái cây. Đậu răng ngựa là nguồn B6 tuyệt vời. Axit amin methionine chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như cá và các loại thịt đỏ, cũng như sữa và trứng.
Thực phẩm chay chứa methionine bao gồm tảo, hạt vừng, sản phẩm đậu nành, đậu phộng và đậu lăng. Nhiều loại trái cây và rau quả như bông cải xanh, rau bina, ngô ngọt, súp lơ và măng tây cũng chứa chất này.