Có thể khẳng định rằng vi chất dinh dưỡng có rất nhiều vai trò khác nhau đối với cơ thể, giúp cho cơ thể có thể phát triển trí tuệ, thể chất, giúp cho cơ thể khỏe mạnh chống đỡ bệnh tật. Đặc biệt vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng về chiều cao và cân nặng ở trẻ em.
Tuy nhiên, cơ thể con người lại không tự tổng hợp được hoặc chỉ tổng hợp được lượng rất nhỏ không đủ cho các hoạt động đó. Do đó mà con người, đặc biệt là trẻ em phải bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm hàng ngày.
Vi chất dinh dưỡng hết sức cần thiết là do vi chất dinh dưỡng là thành phần chủ yếu để tạo ra các hormon, các dịch tiêu hóa. Bên cạnh đó, chúng tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô; tham gia vào các hoạt động như hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể và tham gia vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, vi chất dinh dưỡng có tác dụng duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô bị tổn thương….
PGS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết: “Thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm thiếu vitamin A, iod, sắt, kẽm là các vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nước ta ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần và thể lực của trẻ em, đồng thời ảnh hưởng tới năng suất lao động của người Việt Nam và nhiều mặt kinh tế – xã hội”.
Việt Nam hiện có dân số hơn 90 triệu người và ước tính có khoảng 7,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 2012 cho thấy, chế độ ăn điển hình của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng cho trẻ để có sự tăng trưởng và phát triển tối ưu. Kết quả từ cuộc Điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cho thấy có 9,1% trẻ em bị thiếu máu; 12,9% có tình trạng thiếu sắt và 51,9% thiếu kẽm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 25,9%.
Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Bạch Mai: “Giải pháp để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm các tiếp cận dựa vào thực phẩm, tăng cường vi chất vào thực phẩm và bổ sung vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng trong phòng chống các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, đa dạng bữa ăn, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất. Các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và chú ý sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng”.
Nhu cầu những vi chất dinh dưỡng thường rất nhỏ nhưng rất cần cho sức khỏe, sự phát triển tầm vóc và trí thông minh. Tuy nhiên chúng dễ bị thiếu hụt trong chế độ ăn. Các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng không chỉ là chậm lớn, thấp bé, nhẹ cân mà luôn đi kèm với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu sắt và thiếu Iod. Điển hình như:
Vitamin A: Là loại vitamin tan trong dầu cần thiết cho quá trình nhìn, phát triển xương, sinh sản, sự phân bào, sự sao chép gene. Vitamin A còn giúp điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách tạo bạch cầu chống lại vi trùng và virus gây bệnh. Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh: sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu vitamin A là quáng gà, khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa.
Iod: Là vi chất dinh dưỡng rất cần cho sự tăng trưởng và hoạt động trí não mà cơ thể chỉ cần với một lượng rất nhỏ. Thế nhưng nếu thiếu thì tác hại vô cùng. Chức năng quan trọng nhất của iod là tham gia tạo hormone giáp T3 (Triiodothyronine) và 4 (thyroxine). Đây là những hormone rất cần cho sự phát triển bình thường của não, làm tăng quá trình biệt hóa tế bào não, tham gia vào chức năng của não bộ. Bên cạnh chức năng điều hòa chuyển hóa cơ thể, hormon giáp còn tham gia trong việc chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A, tổng hợp protein, hấp thu chất bột đường ở ruột non.
Nếu thiếu iod dễ dẫn đến thiếu hormone gây ra nhiều rối loạn khác nhau, gọi chung là các rối loạn do thiếu iod. Thiếu iod ở phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, mẹ thiếu iod nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn. Thiếu iod liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, học hành kém, lưu ban, bỏ lớp, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, lùn, kém hoạt động…
Sắt: Là một vi chất quan trọng tham gia trong quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Sắt trong các hemoglobin và myoglobin có thể gắn với oxy phân tử rồi chuyển chúng vào trong máu và dự trữ ở trong cơ. Hemoglobin có trong tế bào hồng cầu và làm hồng cầu có màu đỏ. Myoglobin chỉ có ở cơ vân, có tác dụng như là nơi dự trữ oxy, chúng kết hợp với các chất dinh dưỡng để giải phóng năng lượng cho hoạt động cơ bắp.
Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng thường hay gặp nhất, phụ nữ mang thai, phụ nữ từ 15 – 49 tuổi, đặc biệt là các em gái tuổi dậy thì, là những đối tượng thường bị đe dọa thiếu máu dinh dưỡng. Đối với trẻ em thiếu sắt làm chậm lớn, suy dinh dưỡng, kém thông minh, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy…; Đối với phụ nữ có thai thiếu sắt làm chậm phát triển bào thai, dễ bị đẻ non hay đẻ con thiếu cân, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con; Đối với thanh thiếu niên và người lao động làm giảm thể lực, giảm khả năng học tập, giảm sự tập trung, chú ý, tăng rủi ro khi lao động, giảm sức đề kháng, giảm năng suất lao động.
Kẽm: Là vi chất cần thiết để tổng hợp enzyme giúp chuyển retinol thành retinaldehyde trong ruột và các tổ chức khác (kể cả võng mạc mắt). Kẽm còn tham gia vào quá trình tổng hợp và điều hòa protein vận chuyển vitamin A.
Thiếu kẽm có thể dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa, thần kinh, đặc biệt là các enzyme cần thiết cho sự tổng hợp protein, acid nucleic cũng như sự tổng hợp bài tiết của nhiều hormon tăng trưởng quan trọng khác. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm sẽ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục.
Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng chúng ta cần phải chú ý đến việc đa dạng hóa bữa ăn trong gia đình, lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn đủ nhu cầu năng lượng, ăn đủ rau và trái cây tươi, tăng cường ăn rau xanh đậm và củ quả vàng đậm, thực phẩm nguồn gốc động vật và hải sản chứa nhiều kẽm, thường xuyên dùng muối Iod trong ăn uống và chế biến thức ăn.
Theo song-khoe.com