Kẽm (Zn) đóng vai trò sinh học không thể thiếu đối với sức khỏe con người, cho dù kẽm chỉ chiếm khoảng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Người ta cũng đã phát hiện được nhiều căn bệnh liên quan tới sự thiếu thừa nguyên tố này. Theo các nhà khoa học, lượng kẽm cần cho người trưởng thành hằng ngày là 10-15mg. Nhưng nhu cầu về kẽm còn tùy thuộc vào tuổi và trạng thái sinh lý của cơ thể.
Kẽm với đàn ông
Ngoài tác dụng cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng, kẽm còn được coi là nguyên tố kim loại của đàn ông. Kẽm là nguyên tố cơ bản tạo nên các hormon kiểm soát sự phát triển của cơ thể và đặc biệt quan trọng đối với hoóc-môn nam giới Testosteron. Nam giới nếu thiếu kẽm sẽ dẫn tới suy giảm ham muốn.
Xét về vai trò của kẽm trong sinh lý nam giới, kẽm cũng đóng vai trò quan trọng đối với tuyến tiền liệt. Hàm lượng Kẽm tập trung nhiều ở tinh dịch và tuyến tiền liệt hơn bất cứ phần nào trong cơ thể. Theo tính toán, trong mỗi miligam tinh dịch có hàm lượng nguyên tố kẽm lên tới 150 micrôgam.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tích cực trong sinh hoạt vợ chồng của người đàn ông, sinh lực cũng như khả năng duy trì nòi giống phụ thuộc trực tiếp vào lượng kẽm. Mỗi một lần “thăng hoa” người đàn ông có thể mất 2-6 miligam tinh dịch, điều đó đồng nghĩa với việc mất đi 300-900 micrôgam kẽm.Việc thiếu Kẽm có thể gây phì đại tuyến tiền liệt và những thay đổi khác ở tuyến sinh dục quan trọng này. Vì vậy, Kẽm hoàn toàn có liên quan đến khả năng và tiềm năng sinh dục nam giới, đặc biệt quan trọng đối với đàn ông khi bước qua tuổi trung niên, khi các vấn đề về tuyến tiền liệt bắt đầu xuất hiện.
Vậy làm thế nào để phát hiện sự thiếu hụt kẽm trong cơ thể?
Có thể định lượng nồng độ của Kẽm trong huyết tương hoặc dựa vào dấu hiệu lâm sàng của các bệnh lý liên quan với sự thiếu Kẽm. Đó là các biểu hiện chậm phát triển thể lực, chậm phát triển tâm thần, các bệnh về da và niêm mạc, giảm chức năng sinh dục, dễ bị nhiễm khuẩn, giảm trí nhớ, suy dinh dưỡng...
Nếu thiếu, nam giới có thể bổ sung kẽm trong dược phẩm hoặc chất dinh dưỡng bằng cách tăng cường ăn uống đủ chất, ăn các thức ăn có nhiều kẽm như thịt, gan, trứng, sữa, cá, tôm, sò, rau củ quả có màu vàng và xanh đậm…