OMEGA 3, DHA, EPA LÀ GÌ?

 

 

Chất béo được chia làm 2 loại: mỡ động vật và dầu thực vật. Ta thường nghe dầu thực vật tốt cho sức khỏe hay tốt cho tim mạch hơn mỡ động vật, là do trong nó có axit béo không no. Thật ra không chỉ dầu thực vật mà cả mỡ động vật, nếu có chứa axit béo không no đều là loại tốt.

1. Axit béo Omega-3

Omega-3  là một nhóm các axit béo chưa no cần thiết, có nhiều nối đôi, mà cơ thể không tự tổng hợp được, phải đưa vào từ thức ăn. Axit béo Omega-3 có nhiều trong mỡ cá ở vùng biển lạnh và sâu như cá ngừ, cá hồi, cá thu. Chất lỏng lấy từ mỡ các loại cá này ở nước ta quen gọi là dầu gan cá hay dầu cá thiên nhiên.

Axit béo Omega-3 là tiền chất của DHA và EPA. DHA (viết tắt của Docosa Hexaenoic Acid) là axit béo không no chuỗi dài có 22 carbon và chứa 6 nối đôi, còn EPA (viết tắt của Eicosa Pentaenoic  Acid) là axit béo không no chuỗi dài có 20 carbon và chứa nối đôi. Thuộc nhóm này, còn có các “tiền tố DHA”, đó là Axit béo  Alpha-Linolenic Acid (ALA), có nhiều trong các loại dầu thực vật.

Trong cơ thể, EPA được xem là axit béo thiết yếu sẽ chuyển hóa thành các chất sinh học quan trọng như Prostaglandin, Leucotrien. Còn DHA là axit béo quan trọng trong việc tăng cường hoạt động trí não.

2. DHA

– DHA là tên viết tắt của Docosa Hexaenoic Acid, một acid béo thuộc nhóm Omega-3. Người dân mình đã quen với Omega-3 nhờ xem quảng cáo nhưng nhiều người không biết nó là “mẹ ruột” của DHA.

– Thành phần của não là chất béo trong đó DHA  chiếm khoảng ¼ lượng chất béo này. Khi phân tích cấu trúc của não, các nhà khoa học thấy nó nằm trong thành phần cấu trúc màng tế bào thần kinh, nên còn gọi DHA là “gạch xây cho não người”.

– DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám (tạo ra sự thông minh) của não và trong võng mạc (tổng chỉ huy sự nhìn của mắt). DHA tạo ra độ nhạy của các nơ-ron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác. Axit béo Omega-3  giúp cho việc hình thành các nơ-ron thần kinh, vận chuyển  gluco – dưỡng chất chính giúp cho quá trình hoạt động của não.

– DHA còn cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, sự phát triển hoàn hảo của hệ thần kinh. Nghiên cứu trên động vật, thí nghiệm thấy DHA có nồng độ cao trong tổ chức thần kinh như võng mạc mắt, tổ chức não.

– Trẻ em phải được cung cấp DHA ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi mang thai các bà mẹ cần ăn nhiều cá (cá ba sa, cá ngừ, cá thu và dầu thực vật), đây là nguồn Omega-3 thiên nhiên quan trọng giúp đưa DHA vào bào thai. Khi trẻ ra đời nếu được bú mẹ thì nguồn DHA trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt hơn rất nhiều so với việc bổ sung từ các nguồn khác, vì cơ thể trẻ không có khả năng chuyển từ “tiền tố DHA” thành DHA. Đó là lý do các nhà khoa học khuyên các bà mẹ nên cho con bú. Họ cũng đúc kết rằng thiên tài trong các thế kỷ vừa qua đều không bú sữa bò mà được bú mẹ tới 24 tháng!

– Thiếu DHA trẻ sẽ có chỉ số thông minh thấp. Một nghiên cứu tại Mỹ theo dõi trẻ từ lúc mới sinh đến 8-9 tuổi thấy trẻ được bú mẹ và ăn đủ DHA có chỉ số thông minh cao hơn 8,3 điểm so với trẻ bú sữa bò và không cung cấp đủ DHA.

– Với người lớn, DHA có tác dụng bảo vệ tim mạch do làm giảm Cholesterol và Triglycerid máu. DHA liều cao còn có khả năng ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư trên thực nghiệm. Tuy nhiên đối với người thường xuyên làm bạn với rượu, bia thì chất cồn làm giảm hấp thụ DHA nên đa số các “bợm” sẽ bị suy thoái tế bào thần kinh, sa sút trí tuệ sớm hơn người bình thường.

3. EPA

 

– EPA là tên viết tắt của Eicosa Pentaenoic  Acid, một acid béo thuộc nhóm Omega-3. Còn gọi là thuốc “thanh lọc máu”.

– Các chuyên gia nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tác dụng chủ yếu của EPA là giúp tạo ra Prostagladin trong máu. Loại Prostaglandin này có tác dụng ức chế sự đông vón tiểu cầu, giảm và phòng ngừa hình thành huyết khối, đồng thời có thể giảm bớt lượng cholesterol, giảm bớt triglyceride trong máu làm giảm độ nhớt dính của máu, giữ cho tuần hoàn được thông thoáng.

– EPA còn tác dụng làm giảm tình trạng xơ vữa động mạch. Vì vậy EPA có tác dụng tốt đối với việc phòng ngừa và chữa trị các bệnh tim mạch do xơ vữa mạch.

4. Bổ sung DHA và EPA

Bổ sung DHA lâu dài có lợi ích cho sự phát triển của trẻ, song thực tế trẻ em ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang được bổ sung DHA trong thực đơn hàng ngày với hàm lượng thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo.

Khuyến cáo của Tổ chức FAO, WHO (năm 2010)

– Lượng DHA với trẻ 6 tháng – 24 tháng: 10-12 mg/kg.
– Phụ nữ có thai và cho con bú: 200 mg/ngày.

Khuyến cáo gần đây về lượng DHA hàng ngày đầy đủ của ANSES – Cục An toàn thực phẩm Pháp (năm 2010),

– Trẻ 0 – 6 tháng: 0.32% tổng lượng acid béo.
– Trẻ 6 – 12 tháng: 70 mg/ngày.
– Trẻ 1 – 3 tuổi: 70 mg/ngày.
– Trẻ 3 – 9 tuổi: 125 mg/ngày.
– Phụ nữ có thai và cho con bú: 250 mg/ngày.
(Tất nhiên, bên cạnh hàm lượng DHA cần thiết cho trẻ, trẻ cần được cung cấp thêm các dưỡng chất quan trọng như Choline, Kẽm, Iốt, Sắt, Vitamin B6 & B12, và nhiều chất dinh dưỡng khác, để giúp trẻ phát triển trí não và tăng trưởng thể chất toàn diện).

Nghiên cứu trong 50 phụ nữ các quốc gia khác nhau, cho thấy, nồng độ DHA ở phụ nữ Canada, Mỹ, Australia, Mexico đều thấp hơn 0.32%, trong khi ở phụ nữ Chile, Trung Quốc, nhất là Nhật Bản, Philippins nồng độ DHA lại rất cao.

Điều dễ hiểu phụ nữ các nước Chile, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippins họ ăn nhiều cá hơn. Vị tiến sĩ đến từ Scotland khuyên, các bà mẹ nên ăn thực phẩm có DHA trong khi mang thai và cho con bú.

Vậy DHA có trong thực phẩm nào? DHA có nhiều trong thực phẩm như cá béo và hải sản (ví dụ cá hồi, cá thu, cá ngừ, tôm) hoặc bổ sung dầu cá. DHA trong sữa cũng có nhiều.

Lời khuyên từ các tổ chức, chuyên gia là tiếp tục cung cấp DHA sau 6 tháng đầu đời và trong suốt thời kỳ tuổi trẻ

Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh