NHỮNG TRIỆU CHỨNG BÁO HIỆU PHỤ NỮ BỊ TRẦM CẢM SAU SINH
NHỮNG TRIỆU CHỨNG BÁO HIỆU PHỤ NỮ BỊ TRẦM CẢM SAU SINH

Dưới đây là dấu hiệu cho thấy phụ nữ đã rơi vào trạng thái trầm cảm, gia đình không nên bỏ qua:

1. Rối loạn giấc ngủ

Người bị trầm cảm thường rất khó ngủ. Họ thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được tí gì. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được. Lúc này bác sĩ thường kê toa thuốc ngủ, nhưng đôi lúc dùng liều cao vẫn không hiệu quả.

Trong trường hợp này, bà mẹ sẽ cảm thấy thất vọng hơn. Quan trọng là chữa được trầm cảm thì sẽ ngủ lại được bình thường. Tốt nhất là nên có người giúp mẹ cho bé bú vào buổi tối.

2. Lo lắng, hoảng hốt

Những bà mẹ suy yếu thường hay có nhiều mối lo, thường là về sức khỏe bản thân. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại chẳng tìm ra nguyên nhân. Thường là đau ở đầu và ở cổ. Những người khác lại đau lưng, đau ngực, có thể là do các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe đến nỗi điều này càng làm cho họ stress thêm.Triệu chứng thường gặp nhất là đau một vùng nào đó trên cơ thể và cảm giác bị bệnh. Những triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị.

Bên cạnh đó, người mẹ có thể cảm thấy hoảng hốt đối với những tình huống xảy ra hằng ngày, và khó có thể bình tĩnh lại. Vì thế, tốt nhất là giúp họ tránh những tình huống mà họ bị stress.

3. Căng thẳng và bị ám ảnh

Căng thẳng thường đi kèm với trầm cảm. Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra. Loại căng thẳng này là một triệu chứng của trầm cảm, không thể giải quyết bằng thuốc an thần được.

Ngoài ra, bà mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi sợ này là triệu chứng thường gặp của trầm cảm, có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi.

4. Mất tập trung

Một bà mẹ trầm cảm thường khó tập trung đọc sách, xem tivi hay trò chuyện bình thường. Họ sẽ cảm thấy trí nhớ sao mà kém quá, và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Họ có thể ngồi đó không làm gì, chỉ nghĩ rằng họ cảm thấy rất tồi tệ.

5. Thiếu cảm xúc trong tình dục

Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, nên các ông bố cần thông cảm và hiểu rằng đây chỉ là triệu chứng của bệnh. Hứng thú tình dục sẽ trở lại khi phụ nữ hết trầm cảm.

Cách giúp phụ nữ cảm thấy thoải mái bao gồm đụng chạm nhẹ, ôm ấp và vuốt ve, sẽ tốt cho cả hai.

6. Tránh giao tiếp với người khác

Nếu những suy nghĩ về bạn bè và người thân đến thăm em bé mới sinh khiến cho các bà mẹ cảm thấy sợ hãi, hoặc bạn thường bấm phím im lặng khi điện thoại đổ chuông thì đây có thể là một dấu hiệu của sự trầm cảm. Trầm cảm thường biểu hiện trong một cảm giác bị cô lập và không muốn tham gia thế giới bên ngoài.

7. Suy nghĩ tiêu cực về con cái và chuyện làm mẹ

Nếu có ái đó hỏi về em bé mới sinh hay việc được lên chức mẹ mà phản ứng của bà mẹ là than phiền hoặc tìm ra lỗi để chê trách con của mình thì đúng là họ đang gặp rắc rối về tâm lý. Vì đúng là lần đầu làm mẹ không dề dễ dàng chút nào, nhưng bản năng của bà mẹ nào cũng là tìm ra những điều tích cực chứ không bao giờ suy nghĩ tiêu cực về con cả.

Nếu bạn thấy tâm trí của mình hay “đào sâu” vào những nơi “tăm tối”, đừng vội coi thường nó. Suy nghĩ muốn làm tổn thương chính mình, tổn thương em bé của bạn, hoặc bạn đời của bạn phải được xem xét một cách nghiêm túc. Đây không phải là chuyện dễ dàng để nói ra, nhưng việc bạn tâm sự với một người nào đó mà bạn tin tưởng và tìm sự giúp đỡ cho việc này là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

8. Cảm thấy trống rỗng và không muốn gắn kết với con

Không phải bản năng làm mẹ của người phụ nữ sẽ bị “biến mất” ngay lập tức, nhưng nếu một vài tuần trôi qua mà người mẹ vẫn không cảm thấy có sự kết nối với em bé của mình thì điều gì đó không ổn có thể đã xuất hiện.

Làm gì để điều trị bệnh trầm cảm sau sinh

- Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng. Đừng quên rằng người mẹ không được khỏe và đừng quấy rầy, hãy để họ làm bất cứ việc gì cô ta thích.

- Tránh thức khuya và hãy nhờ người khác cho con bú. Đừng quên ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi bạn cảm thấy đói. Nên uống viên đa sinh tố mỗi ngày.

- Điều quan trọng nhất là người mẹ phải tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, họ cần sự kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sẽ đến sớm.

- Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sanh thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không thể được thì mời bác sĩ đến nhà. Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh hơn.

Ngân Trần

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh