Trong khi những hướng dẫn về Na hiện nay nhắm đến sức khỏe tim mạch thì Hiệp hội Loãng xương quốc gia khuyến cáo rằng chế độ ăn uống với hàm lượng muối thấp sẽ tốt cho xương, như lời TS Laura D. Carbone: "Chế độ ăn uống với hàm lượng muối thấp sẽ tốt cho xương phụ nữ sau mãn kinh".
Na và Cl trong muối có vai trò cân bằng thể dịch trong cơ thể và duy trì hoạt động bình thường của tất cả tế bào và cơ quan trong cơ thể. Riêng muối i-ốt giảm nguy cơ mắc bệnh bướu cổ, đẻ non, thai chết lưu, tử vong sơ sinh, giúp phát triển trí tuệ ở trẻ.
Trong trường hợp thiếu muối nhẹ, cơ thể tự điều chỉnh bằng cách giảm thải Na qua mồ hôi và nước tiểu, kích thích thèm ăn mặn để bù muối. Khi thiếu muối nặng sẽ gây chóng mặt, chuột rút, hôn mê và tử vong. Tình trạng này hay gặp ở người ra mồ hôi quá nhiều hoặc bị tiêu chảy nặng mà không được cấp bù đủ nước và muối.
Lượng muối trung bình cần thiết cho cơ thể là từ 4-10 g NaCl/ngày; lượng muối có sẵn trong các thức ăn thiên nhiên chiếm 3%, còn lại là từ quá trình chế biến thực phẩm.
Khi chúng ta ăn mặn thì áp lực thẩm thấu trong máu tăng lên, cơ thể có cảm giác khát, đòi hỏi uống nước nhiều. Lượng nước trong cơ thể tăng lên sẽ làm tăng huyết áp. Lúc này cơ thể sẽ tìm cách đào thải Na qua nước tiểu, dẫn tới mất Ca… khiến cho hệ bài tiết mệt mỏi, tăng cường độ hoạt động của hệ tim mạch, tiết niệu…, lâu ngày sẽ làm suy giảm chức năng hoạt động của các hệ này. Ngoài ra, ăn mặn còn dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy thận, suy tim, viêm loét dạ dày - tá tràng, ung thư hệ tiêu hóa và loãng xương (đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh).
Khi bước vào tuổi mãn kinh, các tế bào tạo xương (tạo cốt bào) hoạt động kém đi còn các tế bào hủy xương (hủy cốt bào) hoạt động mạnh lên khiến xương loãng đi, rất dễ gãy. Bình thường, 2 loại tế bào này hoạt động điều hòa khiến tình trạng khoáng hóa trong xương đều đặn, xương vững chắc. Vào tuổi mãn kinh, lượng nội tiết tố nữ estrogen giảm nhiều, tạo ra mất cân bằng hoạt động giữa 2 loại tế bào trên.
Cách đây 20-30 năm, các thầy thuốc thường cho phụ nữ mãn kinh dùng estrogen để chữa các triệu chứng của tuổi mãn kinh như: bốc hỏa, mất ngủ, đau đầu, khô âm đạo, loãng xương… Nhưng hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy dùng estrogen lâu dài sẽ gây ung thư vú, ung thư tử cung, bệnh tim mạch. Vì vậy, nhiều thầy thuốc khuyên bệnh nhân nên dùng estrogen thực vật như đậu nành. Để phòng ngừa loãng xương ở tuổi mãn kinh, ngoài việc dùng sữa đậu nành, chị em nên tập thể dục đều đặn. Ăn uống đầy đủ chất đạm, phốt pho, Ca, vitamin D… Mỗi ngày nên cung cấp 1.200-1.500 mg Ca (từ sữa, trứng, tôm, cua, cá…). Lượng thức ăn cung cấp khoảng 500 mg Ca/ngày, lượng Ca còn lại nên được lấy từ sữa. Uống 400 UI vitamin D/ngày và cung cấp thêm vitamin K2 từ lòng đỏ trứng, phô mai, sữa đông (muốn gắn Ca vào xương phải có vitamin D và vitamin K2).
Tóm lại, chị em tuổi mãn kinh nên thường xuyên tập thể dục cộng với một chế độ ăn uống lành mạnh để có một bộ xương chắc khỏe.