Yếu tố nguy cơ gây bệnh Alzheimer
Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer hiện vẫn chưa được xác định. Các nhà khoa học chỉ tìm thấy các nơ-ron trong não bệnh nhân Alzheimer bị chết một cách từ từ, gây giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh và rối loạn các tín hiệu trong não. Ngoài ra những yếu tố dưới đây cũng góp phần làm tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer.
Tuổi: là yếu tố nguy cơ lớn nhất. Bệnh Alzheimer thường xuất hiện từ tuổi 65 và tăng 5% ở nhóm 80 tuổi.
Giới tính: Phụ nữ dễ bị hơn nam giới, một phần vì giới nữ có tuổi thọ cao hơn. Hiện tượng giảm estrogen sau mãn kinh ở phụ nữ cũng ảnh hưởng đến sự suy giảm trí nhớ và sa sút tâm thần.
Yếu tố môi trường: Điện từ trường, nhiễm độc, nhiễm kim loại cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Tiền sử bệnh: Những người bị cao huyết áp và tăng cholesterol máu sẽ có nguy cơ cao bị Alzheimer. Ngoài ra, người mắc bệnh Down cũng dễ bị Alzheimer ở tuổi 40.
Dấu hiệu nhận biết Alzheimer
Nhiều người sai lầm khi cho rằng, suy giảm trí nhớ là chuyện bình thường ở người già nên không chú ý, nhưng nếu trí nhớ suy giảm nhiều, khó khăn trong việc đi đứng, diễn đạt, mất tập trung tư tưởng, tính cách thay đổi… thì rất có thể đó là biểu hiện của bệnh Alzheimer.
Quá trình bệnh lý xảy ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng cá thể. Từ triệu chứng quên đơn giản đến lúc trí tuệ sa sút nặng có thể kéo dài 5 năm, nhưng cũng có người đến 10 năm hoặc lâu hơn.
Theo PGS.TS Phạm Thắng thì: “Không phải ai giảm trí nhớ cũng bị sa sút trí tuệ, nhưng người già bình thường chỉ quên các thông tin không quan trọng, có thể nhớ lại khi được gợi ý, không kèm theo các rối loạn nhận thức khác. Nếu bị Alzheimer, bệnh nhân quên cả những thông tin quan trọng, dù chủ tâm cũng không thể nhớ được. Chẳng hạn người cao tuổi bình thường không giảm kỹ năng ngôn ngữ, người bị Alzheimer lại khó khăn trong việc hoàn thành câu hoặc tìm một từ đúng, giao tiếp không hoạt bát. Người mắc Alzheimer bị giảm khứu giác nên thường bị sụt cân nhiều, đặc biệt là phụ nữ”.
Các biện pháp phòng ngừa Alzheimer
Hiện nay các nhà khoa học chưa tìm ra cách ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Vì thế việc phòng ngừa cũng chỉ là hạn chế các yếu tố nguy cơ, làm chậm sự khởi phát và tiến triển của bệnh.
Phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ: Có nhiều yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ như: nguy cơ về mạch máu (tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu, béo phì, bệnh mạch vành, mạch não); yếu tố tâm lý xã hội và lối sống; các yếu tố ở mức phân tử.
Tránh xa nguồn chứa nhôm: Những hợp chất trong nhôm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh gây nên bệnh Alzheimer, vì thế phải hạn chế dùng các thức ăn (pho mát, bánh mỳ ngô), thuốc (antacid và aspirin buffer) có chứa nhôm và không dùng xoong nồi bằng nhôm khi nấu nướng.
Luyện tập: Cùng với tuổi tác, các mao mạch dẫn truyền dưỡng chất cho não sẽ co rút, giảm lưu lượng máu tới não, làm suy giảm các chức năng não bộ. Đây chính là nguyên nhân vì sao càng lớn tuổi càng hay quên. Nghiên cứu cho thấy việc luyện tập có thể làm đảo ngược sự tác động của tuổi tác đối với não bộ. Càng luyện tập sớm, não bộ sẽ càng giữ được “phong độ” bởi nếu cơ thể khỏe khoắn, sự kết nối giữa các tế bào thần kinh cũng sẽ “mạnh” hơn trước khi quá trình lão hóa tuổi tác tác động, làm chậm quá trình “thoái hóa”.
Chế độ ăn uống: Chế độ ăn gồm nhiều rau củ là một cách rất tốt để làm giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer. Thành phần chất béo không bão hòa có nhiều trong rau và một số loại dầu là yếu tố cơ bản đem lại hiệu quả này.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu axit béo omega-3 đặc biệt là DHA có thể giảm đáng kể tiến trình của bệnh Alzheimer, vì omega-3 có tác dụng chống lão hóa cho tế bào não, cần thiết cho việc phát triển và duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh. Một số thực phẩm giàu axit béo Omega-3 như: dầu gan cá, quả óc chó tươi, tảo biển, cá hồi... Tuy nhiên, năng lượng từ chất béo chỉ nên sử dụng ở mức dưới 30% tổng nhu cầu hàng ngày.
Bổ sung vitamin: Chủ yếu là vitamin E và C có tác dụng làm chậm tốc độ tiến triển của Alzheimer vừa và nặng, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào não nhờ khả năng tiêu diệt gốc tự do.
Như Quỳnh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học