Canxi là chất quan trọng, đóng vai trò hình thành và phát triển hệ xương hệ thần kinh, miễn dịch, cơ bắp… của con người. Đặc biệt, nó là chất giúp đẩy phát triển chiều cao, nuôi xương chắc khỏe.
Các bà mẹ thường nghĩ thiếu canxi là nguyên nhân chính khiến bé hạn chế phát triển chiều cao. Nhưng còn một nguyên nhân mà ít người ngờ tới khiến bé bị lùn là do cơ thể của bé phải hấp thụ quá nhiều canxi.
Tuy nhiên, có một nguyên tắc mà các bà mẹ nên nhớ kỹ là bất kỳ chất dinh dưỡng hay thực phẩm dù tốt đến đâu nếu dư thừa cũng sẽ gây nên tác dụng phụ, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Và canxi cũng không ngoại lệ.
Cơ thể của bé chỉ tiếp thu một lượng canxi vừa đủ để hoàn thiện hệ xương cũng như các bộ phận khác trong cơ thể. Khi được bổ sung quá nhiều, lượng canxi dư thừa có trong máu sẽ đi vào xương khiến xương cứng sớm, gây tình trạng cốt hóa xương, dẫn đến hiện tượng chiều cao của trẻ hạn chế phát triển hoặc ngừng hẳn.
Việc thừa canxi còn dẫn đến rất nhiều hậu quả khác đối với sức khỏe của bé: nhẹ thì bé sẽ bị táo bón, buồn nôn, biếng ăn và mệt mỏi; còn nặng hơn sẽ khiến bé bị sỏi thận, rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị cường giáp và các bệnh về tim mạch.
Bổ sung canxi cho trẻ như thế nào là đúng và đủ?
Theo từng độ tuổi và cơ địa của bé mà cơ thể bé có nhu cầu hấp thụ lượng canxi khác nhau. Thông thường, trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ cần khoảng 300mg mỗi ngày, từ 6-9 tháng tuổi là 500 mg, 600-700 mg cho trẻ từ 10-18 tháng tuổi.
Khi bé càng lớn, lượng canxi càng cao để phục vụ cho việc thúc đẩy hệ xương phát triển.
Tiếp đó, mẹ hãy tăng cường canxi cho bé bằng các loại thực phẩm như tôm, cua, tép, trứng và các loại rau, đậu, sữa… Đây là cách bổ sung an toàn, bởi nếu cơ thể bị dư thừa canxi sẽ được đào thải qua đường tiểu. Đối với việc bổ sung canxi bằng sữa, theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100 ml sữa tươi chứa khoảng 120 mg canxi. Vì thế, bố mẹ cần tính toán để cho bé uống đủ lượng sữa cần thiết theo từng độ tuổi.
Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý bổ sung canxi bằng thuốc cho con, bởi lượng canxi dư thừa này rất dễ gây ra các vấn đề như táo bón, buồn nôn, tăng canxi máu, đau xương… Khi trẻ có biểu hiện táo bón, đau bụng, đi tiểu ra sỏi, máu… ba mẹ cần đưa bé đi khám xem có bị thừa canxi hay không để có hướng điều trị đúng đắn.
Nguyễn Bảo