1. Tử vong sớm
Những nghiên cứu diện rộng cho thấy người ngủ nhiều có khả năng tử vong sớm. Chưa rõ lý do cho việc này, nhưng có thể sưng viêm đóng vai trò quan trọng góp phần vào, đặc biệt khi bạn bị tiểu đường và bệnh tim vào lúc còn trẻ tuổi.
Thống kê cho thấy, những người ngủ bình quân ít hơn 4h/ngày hoặc trên 10h/ngày đều có tỉ lệ tử vong cao.
Do đó, ăn uống ngủ nghỉ điều độ sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể có nhịp độ làm việc ổn định, hiệu quả.
2. Não bộ kém hoạt động
Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy trong số phụ nữ cao tuổi, ngủ quá nhiều (hoặc quá ít) có chức năng não tệ hơn trong thời gian 6 năm. Phụ nữ ngủ nhiều hơn 9 giờ mỗi đêm (hoặc ít hơn 5 giờ mỗi đêm) có những thay đổi ở não, tương đương với lão hóa não 2 năm.
Não phải tiêu hao rất nhiều ôxy khi bạn ngủ nhiều khiến tổ chức não tạm thời thiếu dinh dưỡng. Chính vì vậy, lúc tỉnh dậy sau khi ngủ quá nhiều người sẽ có cảm giác nặng đầu, mơ màng, mệt mỏi, khó tập trung, lười hoạt động, thiếu sức sống, làm việc không hiệu quả và liên tục buồn ngủ sau đó. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ và thính lực rất nguy hiểm.
3. Tăng nguy cơ trầm cảm
Trầm cảm và rối loạn giấc ngủ thường đi chung với nhau. Người bị một số chứng trầm cảm nhất định thường ngủ lâu hơn, và giấc ngủ càng lâu càng khiến bệnh trầm cảm trầm trọng hơn. Tâm trạng thay đổi có thể chỉ là tạm thời, nhưng giảm thời lượng giấc ngủ cũng có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Một nghiên cứu năm 2014 cũng cho thấy thời gian ngủ dài tăng nguy cơ một người có triệu chứng trầm cảm.Những người tham gia nghiên cứu ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm có 27% mắc triệu chứng trầm cảm có tính di truyền, trong khi những người ngủ từ 9 giờ trở lên có 49% mắc triệu chứng trầm cảm có tính di truyền.
4. Khó thụ thai
Trong năm 2013, một nhóm nghiên cứu ở Hàn Quốc đã phân tích thói quen ngủ của hơn 650 phụ nữ trải qua thụ tinh trong ống nghiệm. Theo đó, tỷ lệ có thai cao nhất trong số những người phụ nữ ngủ từ 7 đến 8 giờ một đêm và thấp nhất ở những phụ nữ ngủ từ 9-11 giờ mỗi đêm.
Tiến sĩ Evan Rosenbluth, chuyên gia nội tiết sinh sản, cho biết thói quen ngủ chắc chắn có thể làm thay đổi nhịp sinh học, điều tiết hoóc môn và chu kỳ kinh nguyệt, do vậy, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của họ.
5. Mắc các bệnh về tim mạch
Ngủ hơn tám tiếng mỗi ngày tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim lên đến 34%. Phụ nữ thường ngủ nhiều hơn nam giới, do đó cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Khi bạn hoạt động, tim sẽ đập nhanh hơn để giúp máu được tuần hoàn ổn định. Khi bạn nghỉ ngơi, nhịp tim, sự co bóp của cơ tim và sự tuần hoàn máu giảm xuống. Quen với sự an nhàn đó nên chỉ cần vận động nhẹ sẽ làm tim đập nhanh hơn, lâu dài sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim. Tuần hoàn máu giảm khi bạn ngủ nhiều còn gây ra các bệnh huyết áp cao, xơ vữa động mạch…
6. Ảnh hưởng đến tiêu hóa
Qua một đêm dài, lượng thức ăn sẽ bị tiêu hóa hết, dạ dày trống rỗng nhưng dịch vị của dạ dày vẫn tiết ra, vẫn co bóp. Thời điểm này bạn vẫn tiếp tục ngủ thì sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây nên các bệnh viêm loét dạ dày, đau dạ dày,…
7. Ngủ nhiều làm tăng nguy cơ béo phì
Nhiều nghiên cứu cho thấy người ngủ ít dễ tăng cân, nhưng ngủ quá nhiều cũng gây béo phì. Có thể vì người ngủ nhiều cũng ít tập thể dục và hoạt động thể chất.
8. Tăng nguy cơ tiểu đường
Ngủ nhiều làm tăng lượng đường trong máu, do đó tăng nguy cơ bệnh tiểu đường type 2 cho bạn. Ngủ nhiều và tăng cân cũng góp phần làm thúc đẩy bệnh này.
9. Gây ra các bệnh về hệ hô hấp
Do buổi sáng không khí trong phòng ngủ khá ô nhiễm, ngột ngạt, chứa nhiều vi khuẩn, khí CO2, chính vì thế khi bạn ngủ nướng vào buổi sáng rất dễ làm tổn thương và gây ra các bệnh về hệ hô hấp như cảm cúm, viêm họng, ho,…
Ngân Trần
Theo tạp chí Sống Khỏe