Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Nam, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, giải đáp 5 thắc mắc phổ biến của cộng đồng về bệnh viêm gan siêu vi B như sau:
Viêm gan B (HBV) phổ biến như thế nào?
Là tình trạng nhiễm virus HBV ảnh hưởng đến 240 triệu người trên thế giới. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.
Có nên tiêm phòng viêm gan B trong thời gian mang thai không?
Sự lây truyền HBV từ một người mẹ nhiễm bệnh sang cho con là đường lây rất phổ biến bên cạnh đường tình dục và tiêm chích. Những công dân sinh ra và sống trong khu vực Đông Nam Á được xem như là người có nguy cơ cao lây nhiễm HBV trong bất kỳ thời điểm nào. Văcxin viêm gan B an toàn và được khuyến cáo tiêm cho người mang thai ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ.
Có thể xác định nhiễm HBV khi đang trong thai kỳ không?
Một số người nhiễm HBV có biểu hiện triệu chứng, tuy nhiên đa số thì không. Hiện đã có cách trị liệu hiệu quả giúp ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con. Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên xét nghiệm HBV cho phụ nữ mang thai và xác định số lượng virus, từ đó đưa ra chiến lược điều trị phù hợp.
Nguy cơ nào cho em bé nếu mẹ nhiễm viêm gan B?
Người mẹ bị nhiễm HBV cấp hay mạn tính mà không được điều trị, nguy cơ truyền virus cho em bé có thể lên đến 90% trong thời gian mang thai và khi sinh. Khi đã sử dụng những phương tiện điều trị phòng ngừa, nguy cơ này giảm thiểu chỉ còn khoảng 5%.
Trong trường hợp em bé bị nhiễm bệnh từ mẹ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Trên 90% trẻ bị nhiễm HBV sẽ trở thành nhiễm trùng mạn tính là nguyên nhân chính của xơ gan và ung thư gan. Nhiễm HBV mạn tính còn ảnh hưởng đến sức khỏe thai nghén của người mẹ và em bé.
Bị viêm gan B khi mang thai, người mẹ nên làm gì để tránh lây nhiễm cho con?
Ngay trong 12 giờ đầu sau sinh, nếu bé được tiêm huyết thanh và văcxin viêm gan B kết hợp với điều trị cho người mẹ trong 3 tháng cuối thai kỳ (nếu có chỉ định) sẽ làm giảm nguy cơ mắc viêm gan B cho bé lên đến 85-95%. Trong trường hợp này, em bé vẫn được bú mẹ an toàn, vẫn có thể sinh thường bằng đường âm đạo nếu đúng chỉ định.